3 chỉ số có liên quan tới nước kiềm: pH, ORP và hydrogen

Trước giờ thì mình quan tâm mỗi lọc sạch nước bằng công nghệ phổ biến là RO để thành tinh khiết, sau đó bù khoáng vào là uống. Hóa ra quá trình tạo ra nước uống hàng ngày còn liên quan tới nhiều chỉ số quan trọng khác ảnh hưởng trực tiếp tới việc uống nước và sức khỏe con người.

Trong lúc ngâm cứu về tiêu chuẩn nước sạch, máy lọc nước, nước kiềm và cả các loại nước uống khác nhau, mình đã gom được khá nhiều những thông tin xoay quanh chủ đề này, thấy cũng hay và rất thường thức nên xin được chia sẻ với anh em trong bài viết này.

Trong đó, có thông tin được cung cấp bởi WHO, Bộ Y tế Việt Nam, kèm theo đó là những nghiên cứu, kết luận từ các cơ quan nghiên cứu lớn, có tên tuổi. Đồng thời, cũng có những thông tin mình thấy đang được chia sẻ nhiều, đặc biệt là từ các trang nói về nước kiềm nhưng chưa có nguồn, mình cũng thử tìm nguồn mà không thấy, cũng xin được chia sẻ với anh em luôn.

Độ pH của nước

Hồi nhỏ đi học chúng ta đã biết pH là một thang đo từ 0 đến 14, với 7 là trung tính. Giá trị pH thấp hơn 7 cho thấy nước có tính axit, trong khi giá trị cao hơn 7 cho thấy nước có tính kiềm. Đối với nước uống, tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị rằng pH nên nằm trong khoảng từ 6.5 đến 8.5 để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Tương tự, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống (04/2009/TT – BYT), trong đó quy định pH của nước ăn uống giới hạn tối đa cho phép trong khoảng 6.5 – 8.5.

Tại sao nước uống phải nằm trong khoảng 6.5 – 8.5?

Vậy tại sao nước uống nên nằm trong khoảng từ 6.5 đến 8.5? Hóa ra nếu nước có pH quá thấp, nghĩa là dưới 6.5 thì có thể gây ăn mòn đường ống dẫn, giải phóng các kim loại nặng và các chất độc hại vào nước, từ đó tác động xấu tới sức khỏe con người. Đồng thời, bản thân nước có pH quá 8.5 hoặc thấp hơn 6.5 đều gây ra những tác động hết sức tiêu cực cho con người.

Cụ thể, nước có pH cao hơn 8.5 sẽ có vị đắng và cảm giác khó chịu, khiến con người khó uống, không muốn uống nước và giảm khả năng tiêu thụ nước. Đồng thời, việc tiếp xúc với nước cao hơn mốc 8.5 có thể gây kích ứng da, đặc biệt đối với người có da khô, da nhạy cảm,… Tuy nhiên, bởi do đặc tính của nó nên nước có pH ngay tại 8-8.5 có thể được dùng để rửa rau củ quả bởi tính kiềm vừa đủ của nó trong việc trung hòa các chất có hại khác có sẵn trong quá trình sản xuất, lưu trữ, vận chuyển rau củ quả,…

Ngược lại, nước có tính acid cao, tức là pH thấp hơn 6.5 lại có thể gây ra một loạt những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi dùng trong thời gian dài. Đầu tiên, nước acid ảnh hưởng tới tiêu hóa, gây ra các vấn đề như ợ chua, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa. Uống nước axit trong thời gian dài có thể làm hỏng men răng. Chưa dừng lại ở đó, nước acid còn thúc đẩy tích tụ cặn trong thận, làm suy giảm chức năng của thận. Nước axit cũng có thể khiến cơ thể khó hấp thu canxi.

Tuy nhiên, Theo Phó Giáo sư. Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện Trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Khi cơ thể tiêu thụ nhiều thực phẩm có tính axit như thịt đỏ, thức ăn nhanh, nước ngọt, bia, rượu… lượng axit trong người sẽ tăng lên khiến cơ thể bị dư thừa axit, làm mất đi tính kiềm và tạo điều kiện để mầm mống bệnh tật phát triển. Đây là lý do nên bổ sung thực phẩm giàu kiềm tự nhiên như rau xanh, cá… đặc biệt, hoặc uống nước ion kiềm tươi mỗi ngày là giải pháp giúp cơ thể ổn định tính kiềm. Chỉ số pH kiềm tính rất tốt cho sức khỏe từ 8.5 – 9.5 giúp trung hòa axit trong cơ thể, làm khỏe tế bào từ bên trong, trung hòa axit dư trong cơ thể.

Có lẽ đây cũng là cách để lý giải tại sao các loại nước ion kiềm có pH cao để uống từ 8.5 – 9.5 là để trung hoà axit trong cơ thể.

Các cách kiểm tra độ pH của nước tại nhà

Việc kiểm tra pH của nước mà chúng ta uống hàng ngày tại nhà cũng không quá khó. Đơn giản nhất là sử dụng giấy quỳ để xác định nhanh nước có tính acid hay kiềm. Chi tiết hơn xíu có thể dùng quỳ ở dạng dung dịch, cái này sẽ đi kèm với một thang bảng màu, để xác định tương đối chính xác độ pH của nước mà chúng ta dùng đang trong khoảng nào. Cuối cùng, chúng ta cũng có thể dùng bút thử để xác định chính xác pH. MÌnh đã thử mua một cây bút, giá đâu đó chỉ cỡ hơn 300 ngàn một chút, đo được cả pH rồi TDS, ORP và Hydrogen luôn.

Làm sao để kiểm soát độ pH của nước

Để kiểm soát độ pH của nước uống, có nhiều phương pháp khác nhau tùy vào quy mô công nghiệp hay dân dụng. Đối với các ứng dụng công nghiệp, người ta có thể sử dụng hóa chất và các hệ thống xử lý nước chuyên dụng để liên tục theo dõi và điều chỉnh pH của nước bằng hóa chất cùng các công cụ khác.

Ở quy mô tại nhà, các mẹo giảm pH của nước có thể kể tới như dùng các chất như chanh, giấm,… để làm giảm độ pH bằng cách trung hòa tính kiềm của nước. Ngược lại để tăng pH có thể dùng baking soda (natri bicarbonate) hoặc bột nở,… sẽ giúp tăng độ kiềm của nước lên. Tất nhiên các cách làm này là lý thuyết, tương đối khó ứng dụng do phải thêm vào các chất với lượng chính xác thì mới tạo ra pH đúng mong muốn được.

Một trong những cách khác là sử dụng bộ lọc nước. Mình tìm hiểu thì có 2 bộ lọc, đầu tiên là bộ lọc trung hòa với các vật liệu như calcite (canxi cacbonat) hoặc magie oxit để điều chỉnh pH của nước. Những vật liệu này sẽ tan dần trong nước, giúp tăng pH một cách tự nhiên. Còn lại là sử dụng máy lọc nước ion kiềm: Đây là loại máy có khả năng điều chỉnh độ pH của nước bằng cách sử dụng công nghệ điện phân. Nước qua máy lọc này thường có pH từ 7 đến 9.5 tùy loại.

Chỉ số ORP

Thấy cây bút thử chất lượng nước có đo cả chỉ số này nên mình tìm hiểu luôn. Hóa ra chỉ số này khá phổ biến khi người ta đề cập tới máy lọc nước kiềm. Chỉ số ORP (Oxidation Reduction Potential) là thước đo khả năng oxy hóa – khử của một chất. Nó cho biết mức độ một chất có khả năng nhượng hoặc tiếp nhận electron trong các phản ứng hóa học. Chỉ số ORP được đo bằng millivolts (mV). Một chỉ số ORP dương chứng tỏ chất đó có khả năng oxy hóa, ngược lại chỉ số ORP âm thể hiện tính khử (chống oxy hóa) của một chất.

Đo lường ORP như thế nào?

Để đo chỉ số ORP thì cũng khá đơn giản, chỉ cần đưa bút thử vào và đợi kết quả trả về. Tuy nhiên anh em nhớ lau sạch đầu bút sau mỗi lần đo để đảm bảo tuổi thọ của bút và tính chính xác của kết quả đo nhé.

Các ý kiến về chỉ số ORP

Người ta nói rằng nếu nước có ORP dương, nghĩa là nó có chứa nhiều chất oxy hóa, và chính các chất oxy hóa này làm tăng các gốc tự do trong cơ thể. Các gốc tự do có thể gây hại cho tế bào, dẫn đến quá trình lão hóa sớm và các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư, và các vấn đề về da như khô da và nếp nhăn. Đồng thời chất oxy hóa còn là mất cân bằng miễn dịch, rồi tăng nguy cơ dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng hơn nữa.

Vấn đề lưu ý ở đây là các mình chưa tìm được các nguồn thông tin hay nghiên cứu đủ uy tín để xác định các ý kiến trên. Các thông tin trên (in nghiêng) mình thấy chủ yếu xuất phát từ các đơn vị liên quan tới máy lọc nước kiềm, mình cũng tổng hợp ở đây và nói rõ luôn để chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn.

Các hướng dẫn của WHO về chất lượng nước uống không đề cập tới chỉ số ORP cụ thể là bao nhiêu thì tốt đối với sức khỏe. Thay vào đó, họ nhấn mạnh rằng ORP có thể được sử dụng như một thước đo hiệu quả trong việc xác định độ sạch của nước, nhưng chỉ số ORP thích hợp nên được xác định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, nghĩa là không có một con số chung.

Một lập luận về chỉ số ORP và lợi ích

Tuy nhiên, có một lập luận ở đây như thế này. Mỗi loại thực phẩm đều sở hữu chỉ số ORP riêng biệt. Tuy nhiên, người ta nhận ra điểm chung là những thực phẩm có chỉ số ORP < 0 thường có lợi cho sức khỏe, và ngược lại các loại thực phẩm có ORP > 0 thường có những đặc tính không có lợi cho sức khỏe.

Ví dụ như nước ngọt có ga hay bia rượu là những thức uống luôn được khuyến cáo hạn chế sử dụng vì tính oxy hóa cao của chúng. Đồng thời, các loại thực phẩm này có chỉ số ORP cao, có thể lên đến hơn 400mV. Ở chiều ngược lại, những thực phẩm giàu vitamin C, nước trà xanh hay dầu cá tuyết thường được đánh giá là có nhiều các đặc tính tốt cho sức khỏe. Các loại thực phẩm này có chỉ số ORP dao động từ -100mV đến -300mV. Mình nghĩ rằng dựa vào sự tương đồng này, người ta nói rằng nước điện giải ion kiềm là loại thực phẩm có khả năng chống oxy hóa tốt do có mức ORP từ -300mv đến -780mV.

Cá nhân mình cũng gặp một số người sử dụng nước kiềm trong thời gian dài. Nhiều người nói rằng nước kiềm giúp họ kiểm soát các vấn đề về tiêu hóa, dạ dày,… đặc biệt là các anh em “bạn nhậu”. Thậm chí có người nói rằng từ lúc dùng nước kiềm lâu, họ trông trẻ ra. Tuy nhiên như đã nói ở trên, mình vẫn chưa tìm được nguồn nghiên cứu hay khảo sát nào từ các cơ quan nghiên cứu lớn có tên tuổi cho điều này. Vì thế, ở góc độ nghiên cứu thông tin, mình không thể dẫn ra kết luận ở đây mà chỉ dừng lại việc cung cấp thông tin.

Chỉ số hydrogen

Đây cũng là một chỉ số mà người ta thường đề cập nhiều khi nói tới nước ion kiềm và kèm theo đó là những tuyên bố về lợi ích của nó. Ở góc độ khoa học, chúng ta đã biết nước bình thường là H2O. Người ta tìm cách làm giàu Hydro trong nước lên và gọi đó là nước có hàm lượng hydrogen cao. Chỉ số hydrogen được đo bằng đơn vị ppb (part per galon). Mình thấy trong cây bút thử của mình mua cũng đo được chỉ số này.

Người ta nói gì về chỉ số hydrogen

Tương tự như ORP, chỉ số Hydrogen cũng được đề cập tới rất nhiều kèm theo các lợi ích của nó. Mình dạo một vòng internet từ tiếng Việt đến tiếng Anh, hầu hết đều đến từ các trang ủng hộ nước kiềm. Đáng chú ý, cũng có nhiều nghiên cứu và các chủ đề bàn tán sôi nổi về lợi ích của nước giàu hydrogen.

Người ta cho rằng nước giàu hydrogen có thể giúp chống oxy hóa, khử các gốc tự do có hại cho cơ thể, kháng viêm hay thậm chí là làm chậm lão hóa,… Có thông tin còn nói rằng nước giàu hydrogen còn có thể hỗ trợ các vấn đề liên quan tớ chuyển hóa, hỗ trợ và cải thiện chức năng gan,… Lại có nguồn thông tin nói rằng nước giàu hydrogen giúp cải thiện tâm trạng, giảm stress, đặc biệt là đối với những người đang điều trị trầm cảm. Cũng có thông tin nói rằng nước giàu hydrogen có thể giúp quá trình phục hồi sau tập luyện thể thao nhanh hơn, giảm mỏi cơ bắp,…

Mặc dù hầu hết các ý kiến ủng hộ đều cho rằng nước giàu hydrogen an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng cũng có một số thông tin cho rằng cần lưu ý về cách dùng và các vấn đề sức khỏe có liên quan.

Về thời gian, nước hydrogen cần được sử dụng ở dạng “tươi”, nghĩa là dùng ngay sau khi nó được làm giàu hydrogen bởi H2 trong đó sẽ giảm dần khi nước tiếp xúc với không khí. Đặc biệt, các bệnh nhân có vấn đề về thận cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ khi sử dụng nước giàu hydrogen. Cuối cùng, nước hydrogen vẫn là nước và nó cũng cần được sử dụng với liều lượng phù hợp với tình hình sức khỏe, cân nặng và mức độ vận động hàng ngày của mỗi người.

Mình tìm được 1 nghiên cứu công bố hồi đầu năm trên trang của Viện nghiên cứu sức khỏe Mỹ, trong đó các nhà nghiên cứu đã tổng hợp 25 nghiên cứu trước đó về các lợi ích của nước giàu hydrogen và sau đó, họ đánh giá lại một cách có hệ thống bởi 2 nhà đánh giá độc lập. Kết quả, họ nói rằng tiềm năng của hydrogen là đáng khích lệ. Tuy nhiên, họ cần phải tiến hành thêm nghiên cứu để giải thích đầy đủ cơ chế đằng sau các lợi ích sức khỏe của nước giàu hydrogen. Đây có thể nói là nghiên cứu uy tín nhất mà mình tìm được xoay quanh lợi ích của nước giàu hydrogen.

Tạm kết

Có thể thấy, trong 3 chỉ số mà người ta hay đề cập tới khi nhắc tới nước kiềm, pH vẫn là yếu tố quan trọng nhất, cần được tuyệt đối đảm bảo bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người. Các chỉ dẫn chính thức từ những cơ quan uy tín đã cung cấp khung pH an toàn và chúng ta cần theo dõi để đảm bảo nước uống hàng ngày dù là kiềm hay không kiềm cũng phải đạt chuẩn này. 2 chỉ số còn lại là ORP và đặc biệt là hydrogen, mặc dù rất hứa hẹn về những lợi ích của nó nhưng vẫn nên dừng lại ở mức độ tham khảo.

Với các thông tin trên, mình có thể khẳng định, nước kiềm KHÔNG là thuốc chữa bệnh, chắc chắn sẽ KHÔNG THỂ thay thế các biện pháp chữa bệnh hay giải quyết các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, với sự vô hại nếu dùng đúng cách cùng những đặc tính có lợi được người ta đề cập đến đó cũng là cái có thể được cân nhắc sau khi đã giải quyết các yếu tố về chi phí đầu tư hay vấn đề xử lý nguồn nước đầu vào trước khi kiềm hóa nó.

Nguồn : tinhte.vn